Đề án đào tạo cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi

Thứ bảy - 19/11/2022 08:33
Với mong muốn được tạo dựng cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi “một cái nghề” để họ bước vào đời, Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng liên tục mở lớp nhiếp ảnh (khóa học 03 tháng) đào tạo cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi
Đề án đào tạo cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi
 
TRUNG TÂM NGHỆ THUẬT ỨNG DỤNG

ĐỀ ÁN
ĐÀO TẠO NHIẾP ẢNH CHO TRẺ EM MỒ CÔI, THIỆT THÒI 

ĐỀ ÁN CHIA LÀM 3 GIAI ĐOẠN
    Giai đoạn 1: Đào tạo nhiếp ảnh cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật thuộc các Làng trẻ SOS, Birla, Trung tâm Bảo trợ Trẻ em mồ côi và người khuyết tật ở Hà Nội và các tỉnh.
    Giai đoạn 2: Triển lãm ảnh do các học viên sáng tác sau mỗi khóa học và tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Nhiếp ảnh.
    Giai đoạn 3: In cuốn sách ảnh: tuyển chọn  những bức ảnh xuất sắc nhất sau mỗi kỳ triển lãm.

Hà Nội 2015

Phần 1
GIỚI THIỆU
1.    Đặt vấn đề

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cuộc sống hôm nay vẫn còn biết bao đứa trẻ mất cha, mất mẹ. Các em biết tìm cha, tìm mẹ ở đâu? Trong những mảnh đời bất hạnh ấy, có những em mồ côi cả cha lẫn mẹ; có những em khi mới chào đời đã bị khuyết tật hoặc do chính con người sinh ra nó bỏ rơi… Và có hàng triệu, hàng triệu trẻ em đang sống không có mái ấm gia đình với nhiều cảnh ngộ khác nhau: Bố mẹ li hôn, bạo lực gia đình; bố mẹ bị mất do thiên tai; bố mẹ là thương binh, liệt sĩ tham gia chiến đấu bảo vệ nơi biên giới, hải đảo và đấu tranh phòng chống tội phạm…
Làng trẻ SOS, Birla, Trung tâm Bảo trợ Trẻ em mồ côi, thiệt thòi và Người khuyết tật  là một tổ chức phi chính phủ nhằm bảo vệ giúp đỡ và mang lại “sự quan tâm, chăm sóc như trong một gia đình” cho trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ và người khuyết tật.
Chúng ta không thể ngờ rằng, ở cái tuổi thơ như các em mà đã phải gánh chịu một sự mất mát quá lớn như vậy. Mùi khói súng như vẫn còn đó; nỗi sợ hãi kinh hoàng của những trận thiên tai , lũ lụt tàn phá đã cướp đi người thân trong gia đình  vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt các em. Nỗi đau ấy cứ ám ảnh các em suốt cuộc đời.
Trong cơn lốc của cơ chế thị trường đã có nhiều giá trị bị thay đổi, biến dạng, nhưng tình người thì vẫn còn đó. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ, thắp sáng ngọn lửa niềm tin trong tâm hồn trẻ em thiệt thòi và người khuyết tật, để họ tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Đào tạo nhiếp ảnh cho trẻ mồ côi, thiệt thòi, người khuyết tật cũng chính là sắm cho họ “cái cần ”. Bởi vì, nhiếp ảnh là một cái nghề để có thể kiếm sống. Nhiếp ảnh là một trong những phương tiện nghệ thuật để chuyển tải cuộc sống. Bằng ngôn ngữ hình ảnh, trẻ em mồ côi, thiệt thòi, người khuyết tật có thể ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình; thông qua đó gửi tới người xem những điều mình muốn nói.
Với mong muốn được tạo dựng cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi, người khuyết tật “một cái nghề” để họ bước vào đời, Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng liên tục mở lớp nhiếp ảnh (khóa học 03 tháng) đào tạo cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi, người khuyết tật  thuộc các làng trẻ SOS, Birla, Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và người khuyết tật ở Hà Nội và các tỉnh trên toàn quốc.
Chúng tôi hy vọng, nhiếp ảnh sẽ mang lại nguồn vui và bù đắp một phần nào những mất mát cho trẻ em mồ côi thiệt thòi và người khuyết tật.

2.    Giới thiệu về đơn vị đào tạo.
Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng được xây dựng và trưởng thành trên cơ sở từ một Trung tâm Đào tạo Điện ảnh – Truyền hình thành lập năm 1995, trực thuộc Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội; nay thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ, Trung tâm được tách ra và đổi tên là Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng (Trung tâm thành lập theo quyết định số 1439/BNV ngày 23/5/2007 của Bộ Nội vụ).
Hơn 20 năm thành lập, Trung tâm đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ những người làm công tác văn hóa, truyền thông, truyền hình thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình, công an, quân đội trong cả nước. Đặc biệt, trong đó có nhiều phóng viên, nhà báo hiện đang công tác tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT - Truyền hình các tỉnh, thành phố… đã tham gia học tập tại Trung tâm.
Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng là nơi tập hợp đội ngũ giảng viên, nghệ sĩ uy tín thuộc các lĩnh vực, Điện ảnh, Truyền hình, Hội họa, Nhiếp ảnh… Nhà giáo nhân dân - đạo diễn Lê Đăng Thực, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng; NSND Trần Văn Thủy; NSND Lương Đức; PGS – TS Nguyễn Phương Hoa; NSƯT Sỹ Chung; NSND Nguyễn Như Vũ; NSƯT Vương Khánh Luông; NSND - nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Tuấn; NSNA Đinh Quang Thành; NSNA Vũ Huyến; NSNA Chu Chí Thành…
Với chức năng là một trung tâm đào tạo văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, đặc biệt là chuyên ngành quay phim, nhiếp ảnh; Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng có đội ngũ giảng viên, nghệ sỹ uy tín, và có những phương tiện chuyên dụng (máy quay, máy ảnh, đèn chụp, máy đo sáng, phản quang, filter, thiết bị chỉnh sửa ảnh…) cho học viên thực hành.

Phần 2
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO  NHIẾP ẢNH
TRIỂN LÃM ẢNH, IN SÁCH ẢNH


I. GIAI ĐOẠN 1: ĐÀO TẠO NHIẾP ẢNH.
1. Thời gian, địa điểm tổ chức
    Thời gian thực hiện đề án :  bắt đầu từ năm 2015  

    Số lượng học viên mỗi lớp: 20 đến 25 học viên
    Số lượng đào tạo mỗi năm: Dự kiến 100 học viên
    Thời gian đào tạo mỗi khóa: 03 tháng. 
    Tổ chức đào tạo nhiếp ảnh cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi thuộc các làng trẻ SOS, Birla, Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và người khuyết tật  trên toàn quốc.
               2. Mục đích:
    Đào tạo cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật “một cái nghề” để họ vơi đi những mặc cảm và tự tin tạo dựng cuộc sống.
    Cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh. Và thông qua ngôn ngữ hình ảnh, tạo cơ hội cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật nói lên những suy nghĩ và mong muốn của mình.
    Thể hiện tấm lòng “tương thân, tương ái”, giúp đỡ trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật vượt qua khó khăn trong cuộc sống, để vươn tới trở thành người có ích cho xã hội.
    Sau khi hoàn thành khóa học nhiếp ảnh 03 tháng, Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng chịu trách nhiệm đỡ đầu về nghiệp vụ chuyên môn; phối hợp với các làng trẻ SOS, Birla, Trung tâm Bảo trợ Trẻ em mồ côi và Người khuyết tật thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh, giới thiệu việc làm cho các em tại các cửa hàng dịch vụ Nhiếp ảnh, Áo cưới và tham gia làm cộng tác viên ảnh các Báo, Tạp chí… 
3. Chương trình đào tạo:
Đào tạo theo phương pháp truyền nghề, và tập trung đi sâu vào những nội dung cơ bản sau:
    Tính năng, cấu tạo của máy ảnh kỹ thuật số 
    Tính năng, tác dụng và mối liên kết giữa độ mở ống kính, tốc độ chụp và độ nhạy sáng.
    Hiệu quả ống kính góc rộng, ống kính trung bình, ống kính góc hẹp và ống kính zoom.
    Đặc tính của ánh sáng và những ưu điểm, nhược điểm của các hướng chiếu sáng.
    Những thủ pháp tạo hình trong nhiếp ảnh.
    Nghệ thuật chụp ảnh chân dung, phong cảnh, sinh hoạt, dịch vụ…


II. GIAI ĐOẠN 2: TRIỂN LÃM ẢNH.
1.    Mục đích
    Nhằm giới thiệu kết quả học tập của các em sau 03 tháng học và tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.
    Tạo cơ hội để trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật giao lưu, trao đổi nâng cao tay nghề và kết nối với thế giới bên ngoài.
    Thông qua cuộc triển lãm ảnh, người xem có thể hiểu được tâm tư nguyện vọng  và thông điệp mà trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật muốn gửi đến.
    Dựa trên cơ sở những bức ảnh tham gia triển lãm, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bức ảnh xuất sắc nhất để in sách ảnh.
2 Thời gian và địa điểm triển lãm
*Thời gian tổ chức triển lãm 01 lần / năm
*Địa điểm triển lãm : Trung tâm Văn hóa ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố
3    Một số nguyên tắc và tiêu chí triển lãm ảnh.
    Ảnh dự thi phải là những bức ảnh nguyên bản do chính mà trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật sáng tác. Mỗi bức ảnh phải ghi rõ họ tên người chụp, tên tác phẩm.
    Kích cỡ ảnh treo triển lãm: từ 30x45cm đến 50x75cm.
    Giới thiệu được những nét đẹp văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, và đề cập những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, đặc biệt là đối với trẻ em.
    Kinh phí thu được từ việc bán ảnh của cuộc triển lãm (nếu có) sẽ dùng ủng hộ trẻ em mồ côi, thiệt thòi, người khuyết tật và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam dioxin.
III. GIAI ĐOẠN 3: IN SÁCH ẢNH.
1. Ý tưởng xây dựng cuốn sách ảnh.
    Cuốn sách ảnh được tuyển chọn từ những bức ảnh tốt nhất mà mà trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật đã chụp trong quá trình tham gia khóa học, và trong thời gian sinh hoạt Câu lạc bộ Nhiếp ảnh do Trung tâm Nghệ thuật ứng tổ chức, đỡ đầu.
    Cuốn sách ảnh là một món quà ghi nhận những nỗ lực, vượt qua mặc cảm của mà trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật để vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
3.    Hình thức và nội dung thể hiện.
    Khuôn khổ cuốn sách ảnh 25x30cm, bìa cứng, in trên chất liệu giấy ảnh.
    Cuốn sách ảnh được sắp xếp theo các mảng đề tài khác nhau để tiện tra cứu.

    Trang đầu cuốn sách ảnh giới thiệu những nét khái quát về tác phẩm, tác giả; lời cảm ơn đối với các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ hoàn thành cuốn sách ảnh.
    Những trang cuối của cuốn sách ảnh được dành cho quảng cáo, in logo tên các tổ chức và cá nhân tài trợ.
Phần 3
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC VÀ TRUYỀN THÔNG


1.    Cơ quan chỉ đạo và bảo trợ.
    Hội Người tàn tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam
    Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
2.    Đơn vị đào tạo dạy nghề.
    Trung tâm Nghệ thuật ứng dụng
3.  Đơn vị phối hợp thực hiện.
    Làng trẻ SOS, Birla các tỉnh, thành phố.
    Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi ở các tỉnh, thành phố.
    Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và Người khuyết tật các tỉnh, thành phố.
4.    Cơ quan bảo trợ thông tin truyền thông.
    Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Địa phương.
    Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh, thành phố

Phần 4
QUYỀN LỢI CỦA NHÀ TÀI TRỢ


1.    Thương hiệu của Nhà tài trợ được gắn liền với chiến dịch truyền thông quảng bá tuyển sinh đào tạo, triển lãm, in sách ảnh.
2.    Thương hiệu của Nhà tài trợ được in trên tất cả các tài liệu phát hành như: Cataloge, giấy mời, tài liệu học tập của khóa học nhiếp ảnh, triển lãm ảnh.
3.    Tên và logo của Nhà tài trợ được đặt ở vị trí trang trọng. dựng từ cổng triển lãm vào phòng triển lãm ảnh.
4.    Nhà tài trợ được Ban tổ chức giới thiệu vinh danh và trao giải thưởng cho các em.
5.    Tên và logo của Nhà tài trợ được in giới thiệu trong cuốn sách ảnh.


Kính mong các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho trẻ em mồ côi, thiệt thòi và người khuyết tật có được “cái nghề” để họ xóa đi những mặc cảm, tạo dựng cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây